Công an phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội phối hợp với Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô kịp thời ngăn chặn 2 vụ lừa đảo giả danh Công an nhằm vào người cao tuổi.
Vụ mới đây nhất, vào khoảng 14h ngày 13/6, ông S. (sinh năm 1945; trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, ông có nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là cán bộ Công an thành phố Hà Nội, thông báo ông có liên quan đến đường dây ma túy và yêu cầu ông S. chuyển 500 triệu đồng để xác minh.
Thấy biểu hiện bất thường của người rút tiền cán bộ Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô đã cảnh giác báo tin và phối hợp lực lượng Công an phường Đức Giang và kịp thời ngăn chặn không để người dân bị lừa đảo thiệt hại tài sản.
Trước đó, cũng tại phường Đức Giang, lực lượng Công an đã kịp thời ngăn chặn vụ việc một cặp vợ chồng ông bà ngoài 70 tuổi suýt bị lừa 3 tỷ 98 triệu đồng. Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng phần mềm “Deepfake” giả hình ảnh và giọng nói y hệt công an thật, khiến nạn nhân tin và chuyển tiền. Rất may, vụ việc đã được ngăn chặn kịp thời.
Theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý, việc phải đối diện với lực lượng chức năng không phải là trải nghiệm của nhiều người, nên sự thiếu hiểu biết về quy trình công tác của họ là đương nhiên. Điều này dẫn tới phản ứng tâm lý tự nhiên là nhìn thấy Công an đã cảm thấy lo sợ. Khi nhận được yêu cầu hợp tác làm việc, người dân thường nhanh chóng chấp hành và hầu như không có sự "kiểm tra ngược". Đây cũng là yếu điểm tâm lý của nạn nhân được bọn tội phạm khai thác triệt để.
Hành vi giả danh, giả mạo Công an bôi nhọ hình ảnh, uy tín, danh dự của lực lượng Công an nhân dân sẽ bị xử lý nghiêm
Để tránh bị lừa, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Để nhận diện các đối tượng giả danh Công an, người dân có thể quan sát bên ngoài. Các đối tượng giả danh Công an tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát, liên hệ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự thường sử dụng trang phục không đồng bộ, không đúng quy định, công cụ hỗ trợ, số hiệu, giấy tờ của ngành Công an không đúng quy định. Trong trường hợp này, người dân chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế, lễ tiết, tác phong, cử chỉ có thể phân biệt được họ là Công an thật hay giả.
Đối tượng giả danh Công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ như khóa số 8, dùi cui, súng..., cố tình để người khác thấy giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND. Nếu chưa có cơ sở xác định họ giả danh Công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra. Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.
Nếu nghi ngờ một người giả danh Công an, người dân cần phải khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình như: Trước đây học trường nào, ở đâu? Điều kiện tuyển dụng vào ngành Công an thế nào? Đơn vị hiện tại địa chỉ ở đâu, lãnh đạo đơn vị là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể hiện nay là gì?... Có thể tạo lý do hợp lý để chụp ảnh đối tượng, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan Công an.
Bên cạnh đó, người dân cần phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đã nói, đã kể, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải giả danh Công an hay không. Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin sau đó nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực Công an, những người đang công tác trong ngành Công an hoặc Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn nơi người dân cư trú, trực ban đơn vị Công an nơi gần nhất phân tích, đánh giá, không nên vội tin đối tượng, làm theo lời của đối tượng.